Thực hiện Công văn số 1079/PGDĐT – CMNV ngày 11 tháng 11 năm 2024 của Phòng Giáo dục và Đào tạo về việc tham dự tập huấn kỹ năng truyền thông phòng, chống tác hại thuốc lá và tư vấn cai nghiện thuốc lá trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp năm 2024.
Ngày 22/11/2024 Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đồng Tháp tập huấn kỹ năng truyền thông phòng, chống tác hại thuốc lá và tư vấn cai nghiện thuốc lá trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp năm 2024 (gọi tắt là Công văn số 1080/KSBT-TTGDSK). Tham dự và chỉ đạo có Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Diệu Hiền – trưởng khoa truyền thông giáo dục sức khỏe, nhân viên y tế trường học huyện Tam Nông tham dự tập huấn.
Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Diệu Hiền – trưởng khoa truyền thông giáo dục sức khỏe phát biểu khai mạc lớp tập huấn
Những năm gần đây, bên cạnh các sản phẩm thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi (thuốc lào) đang được quản lý theo quy định của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, trên thị trường đã và đang xuất hiện các sản phẩm mới, phổ biến nhất là thuốc lá điện tử (Electronic Nicotine Delivery – ENDs) và thuốc lá nung nóng (Heated Tobacco Product – HTPs). Hiện nay Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá không quy định về các sản phẩm “thuốc lá điện tử”, “thuốc lá nung nóng”, vì vậy các sản phẩm này chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành hợp pháp tại Việt Nam.
Thành phần chính của dung dịch điện tử, bên cạnh nicotin, còn có propylene glycol và các chất tạo hương vị. Có ít nhất 60 hợp chất hóa học đã được tìm thấy trong dung dịch thuốc lá điện tử (còn gọi là tinh dầu) và nhiều hợp chất khác có trong sol khí/khói tạo ra từ thuốc lá điện tử.
Ngoài nicotin, thuốc lá điện tử còn chứa các hóa chất khác như dung môi (propylene glycol và/hoặc glycerine thực vật), hương liệu, chất dẫn nicotin và kim loại. Nicotine là một chất gây nghiện cao, gây tăng nhịp tim, co thắt mạch máu ở tim, tăng mạch và huyết áp. Nicotin còn ảnh hưởng đến sự phát triển và di căn của khối u và có khả năng thúc đẩy, hình thành các khối u.
Thuốc lá điện tử có chứa vitamin E axetat và tetrahydrocannabinol (THC), một chất kích thích hệ thần kinh có chứa trong cần sa, được cho là có vai trò quan trọng gây ra hàng nghìn trường hợp tổn thương phổi. Mặc dù vitamin E axetat an toàn khi được tiêu thụ dưới dạng thực phẩm hoặc mỹ phẩm, nhưng hậu quả của việc hít phải vitamin E axetat vẫn chưa được tìm hiểu đầy đủ. Hiện nay, một số quốc gia như Canada, Vương quốc Anh và một số tiểu bang ở Mỹ đã cấm vitamin E axetat.
Bác sĩ Nguyễn Đạt Thịnh – viên chức truyền thông giáo dục sức khỏe trao đổi kỹ năng truyền thông PCTHTL
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới chưa có bằng chứng về việc thuốc lá điện tử giúp cai nghiện thuốc lá thông thường. WHO cũng không xác nhận thuốc lá điện tử là một biện pháp hỗ trợ cai nghiện”. Thuốc lá điện tử không những không giúp cai thuốc lá mà còn khiến người chưa hút thuốc trở thành nghiện nicotin. Những người trẻ chưa từng hút thuốc lá điếu thông thường nhưng sử dụng thuốc lá điện tử có nguy cơ nghiện thuốc lá điếu thông thường cao gấp 2-3 lần so với những người chưa từng sử dụng thuốc lá điện tử.
Toàn cảnh lớp tập huấn
WHO kêu gọi các quốc gia cần ngăn ngừa việc đưa ra các kết luận thiếu căn cứ về tính an toàn của các sản phẩm này, đồng thời thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả được quy định trong Công ước khung thay vì sử dụng các sản phẩm mới được quảng cáo là ít có hại.
Nguyễn Thị Tròn – YTTH